Đô thị biển được phát triển theo tư duy ‘đất liền’?

Nhiều chuyên gia đánh giá ở Việt Nam, việc phát triển đô thị biển vẫn phát triển trên nền tảng của tư duy ‘đất liền’, quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức nên vẫn còn tình trạng quy hoạch treo, lãng phí đất.

Chưa có đô thị biển đúng nghĩa

Việt Nam có trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển và khoảng 50% các đô thị lớn của Việt Nam tập trung ở khu vực ven biển và trên đảo.

Tuy nhiên, các đô thị biển của Việt Nam chỉ mới phát triển tập trung ở dải ven biển như: TP. Hạ Long, Hải Phòng, Sầm Sơn, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu…. Các đô thị biển này đang được nhìn nhận có hình thái như đô thị đồng bằng, chưa thể hiện rõ tư duy đô thị biển là hạt nhân trung tâm thúc đẩy các ngành kinh tế biển phát triển.

Tại khu vực miền Trung và một phần vùng ĐBSCL bắt đầu lộ diện những dải đô thị ven biển như: Thanh Hoá, Vinh, Huế – Đà Nẵng – Hội An, Tam Kỳ – Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hoà (Phú Yên), Nha Trang – Cam Ranh, Ninh Thuận, Phan Thiết, Rạch Giá – Hà Tiên.

“Các dải đô thị ven biển miền Trung có tiềm năng tự nhiên thuận lợi cho du lịch cao cấp và cảng nước sâu. Nhiều đô thị biển miền Trung đã tạo dựng được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang”, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho hay.

Đô thị biển được phát triển theo tư duy đất liền? - Ảnh 1.

Nhiều đô thị biển miền Trung đã tạo dựng được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới như: Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang. Ảnh: Quốc Toàn

Tương tự, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng, đến nay Việt Nam vẫn chưa có đô thị sông biển, nhất là đô thị biển theo đúng nghĩa. Điều đó có nghĩa, phát triển đô thị biển ở Việt Nam gần như là xây dựng đô thị hoàn toàn mới, bắt đầu từ đầu. Đây vừa là thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là trong quy hoạch.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển với nhiều đô thị lớn nhỏ được hình thành và phát triển tập trung ở vùng ven biển từ khá lâu đời. Nhưng về số lượng vẫn còn quá ít, quy mô vẫn còn quá nhỏ và về chất lượng vẫn còn ở đẳng cấp thấp so với thế giới.

Ngoài ra, đại đa số các đô thị này là đô thị cổ và phân bố ở ven biển, hầu hết thường được phát triển tập trung dọc theo các tuyến đường bộ, được hình thành một cách “tự nhiên, đôi khi tự phát” từ rất lâu dựa trên mối quan hệ giữa cảng – biển – đô thị. Bên cạnh đó, các đô thị biển nước ta, nói đúng hơn là các đô thị ven biển vẫn được phát triển trên nền tảng của tư duy “đất liền”.

“Nhìn chung, giá trị “biển bạc” vẫn chưa được phát huy, trong khi các giá trị trước mắt của “đất vàng” ở ven biển và trên đảo vẫn hấp dẫn hơn với cả nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi chia sẻ.

Quy hoạch “treo” gây lãng phí đất

Theo KTS Trần Ngọc Chính, đối với khu vực ven biển, quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển; nhiều dự án tập trung ven biển dẫn đến thiếu không gian, cự ly cần thiết để tạo không gian công cộng dành cho cộng đồng.

Đặc biệt, việc quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án “treo”, gây lãng phí đất đai. Phần lớn các quy hoạch cụ thể ở không gian “mặt tiền” này được thực hiện dựa trên tư duy quy hoạch đô thị biển chứ không dựa trên các nguyên tắc quy hoạch không gian du lịch biển.

Việc quy hoạch không gian biển phục vụ cho mục đích du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển đô thị bền vững bởi các công trình này đã chiếm gần như toàn bộ “mặt tiền” hướng ra biển, thiếu thân thiện với tự nhiên và môi trường.

Đô thị biển được phát triển theo tư duy đất liền? - Ảnh 2.

Khoảng 50% các đô thị lớn của Việt Nam tập trung ở khu vực ven biển và trên đảo. Ảnh: Dũng Nhân

Với trục đường ven biển chạy song song đường bờ biển để phân lô, phát triển thành “hành lang” các khu du lịch nghỉ dưỡng biển liền kề đã làm giảm hiệu ứng “đóng – mở” đối với cảnh quan biển khi khách du lịch trải nghiệm cảnh quan đô thị và cảnh quan biển.

Không gian biển công cộng cũng như không gian nghề biển của cộng đồng bị thu hẹp, thậm chí mất đi ở hầu hết các đô thị du lịch biển. Quỹ đất cho phát triển không gian công cộng và hạ tầng đô thị bị hạn chế, làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên, gây úng ngập cho đô thị trong trường hợp xảy ra mưa với cường độ lớn và làm gia tăng nguy cơ xói lở đường bờ dưới tác động của biến đổi khí hậu.

“Đô thị ven biển ở nước ta có các đặc trưng riêng, mang nhiều màu sắc và tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững và có bản sắc, các đô thị ven biển cần có một chiến lược, định hướng phát triển cụ thể; cách làm, quản lý phải chặt chẽ, đồng bộ. Không vì phát triển bằng mọi giá mà hy sinh các giá trị bản sắc sinh thái, môi trường của đô thị ven biển. Một hướng đi bền vững, sử dụng tối ưu các nguồn lực trong phát triển đô thị biển là vấn đề cần nghiên cứu giải quyết ngay lúc này”, KTS Trần Ngọc Chính chia sẻ.

Còn TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thông tin, khái niệm về đô thị biển chưa được định nghĩa trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Trải qua hơn 30 năm, khái niệm về đô thị đặc thù mới dừng lại ở việc quy định tiêu chí đối với đô thị ở miền núi, vùng cao, có đường biên giới quốc gia (loại III, IV, V) và đô thị ở hải đảo (điều 9 Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH về Phân loại đô thị) chưa có định nghĩa, tiêu chí cho đô thị biển và nhiều đô thị chuyên ngành khác.

Điều này dẫn đến các lúng túng trong việc triển khai từ khâu quy hoạch đô thị biển, xác định chức năng cho đô thị biển, vị trí vai trò cho từng đô thị, chuỗi đô thị ven biển, quy định quy mô, hình thái phát triển của đô thị biển.

“Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới việc phát triển đô thị biển thiếu kiểm soát, lãng phí nguồn lực, thiếu tính bền vững”, TS Đặng Việt Dũng nói.

Ông Dũng kiến nghị, cần sớm đưa khái niệm về đô thị biển vào trong quy định của pháp luật như là định nghĩa về đô thị đặc thù để từ đó hình thành mô hình phát triển đô thị biển bền vững.

Đồng thời, cần xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cho đô thị biển trong phân loại đô thị tạo thuận lợi cho việc xác định vị trí, vai trò chức năng của đô thị biển, nhất là các đô thị biển được xác định trở thành đô thị động lực.

Trong khi đó, KTS Trần Ngọc Chính mong muốn các loại đất ven biển đều phải thực hiện theo quy hoạch và tất cả các chính sách của Nhà nước liên quan cũng phải được xem xét đưa vào quy hoạch. Quy hoạch phải bảo đảm lợi ích hài hòa của người dân tại khu vực đó, cũng như lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước.

Song song đó, cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

“Đối với các địa phương cần tiến hành kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của các dự án đầu tư tại khu vực ven biển với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; rà soát tổng thể các dự án để điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất đảm bảo lợi ích cộng đồng dân cư và doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn”, KTS Trần Ngọc Chính chia sẻ thêm.

Có thể bạn quan tâm